Một trong những vấn đề phổ biến nhất của những người mới bắt đầu học thiền là việc bị rơi vào trạng thái buồn ngủ, hôn trầm. Bực mình làm sao khi chúng ta tìm đến thiền để học cách sống tỉnh thức mà giờ ta lại trở nên lờ đờ, buồn ngủ hơn. Bạn có đang nghĩ như vậy không? Đừng lo, bạn không cô đơn đâu! Bởi có một bí mật mà bạn sẽ biết ngay sau đây, đó là: Ngay cả những người hành thiền lâu năm vẫn ngủ gật khi thiền.
Lần đầu tiên học về thiền, ngủ cũng trở thành một phần của khóa học mà tôi tham gia. Chỉ sau năm phút, bạn có thể thấy tôi đang gật gù. Điều này diễn ra trong gần một năm, và giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy đó là quãng thời gian thật sự ý nghĩa. Trước khi bắt đầu thiền, tâm trí tôi thường chạy liên tục, từ việc lên kế hoạch cho tương lai tới những phân tích về quá khứ. Bởi vậy, khi bị đặt vào tình huống với mục đích duy nhất là ngồi yên lặng và tĩnh tại trong hiện tại, tôi đã tiến thẳng vào sự hôn trầm, bởi thực sự tôi không biết phải làm gì với cái tĩnh lặng đó. Tôi luôn mệt mỏi, vì thế, đây là cơ hội cho tôi ngủ.
Dần dần, tôi bắt đầu nhận thấy mình bắt đầu buồn ngủ ngay khi ngồi thiền và khi cảm thấy như thế, tôi tự nhiên tỉnh lại. Tôi tìm cách ngăn mình chìm vào giấc ngủ hay bị cuốn vào dòng chảy của nó.
Theo đó, tôi phát hiện ra một vài mẹo nhỏ giúp tôi nhận ra cơn buồn ngủ và hướng mình trở lại trạng thái tỉnh táo. Đó là:
Mở mắt
Nhiều phương pháp thiền yêu cầu người tập phải nhắm mắt, nhưng khi nhắm mắt chúng ta sẽ rất dễ buồn ngủ và hay nghĩ đến nhiều thứ trong đầu. Việc thực hành thiền định yêu cầu người tập phải mở mắt nhưng hơi nhìn xuống một chút. Điều này giúp chúng ta tỉnh táo hơn và ý thức mình luôn ở hiện tại, trải nghiệm cuộc sống với tất cả các giác quan.
Điều chỉnh tư thế
Tư thế lý tưởng khi thiền là ngồi thẳng lưng, thoải mái. Bạn nên hình thành thói quen kiểm tra tư thế của mình sau vài phút để xem có bị nghiêng ngả hay không. Nếu có, hãy nhẹ nhàng điều chỉnh trở lại. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt về sự tỉnh táo và năng lượng bên trong mình.
Uống nước
Nhiều trung tâm thiền cho phép học viên mang nước vào phòng tập. Nếu bạn được làm điều đó hoặc những lúc ngồi thiền ở nhà, hãy uống một ngụm nước khi thấy mệt. Chỉ qua hành động uống nước và để ý tới việc khi nào mình cần uống nước thì chúng ta đã chuyển sang một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác.
Thiền hành
Ngoài ngồi thiền, ta cũng có thể thực hiện thiền hành. Đối tượng khi ngồi thiền là hơi thở, thay vì như vậy, bạn sẽ cảm nhận về sự tiếp xúc của bàn chân chạm vào đất khi thiền hành. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có những cảm nhận khác hơn, tạo sự đa dạng trong phương pháp hành thiền của mình, đồng thời cũng giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Hãy tự hỏi điều này: Bạn có thực sự mệt mỏi không?
Có một sự khác biệt rất tinh tế giữa việc buồn ngủ khi thiền vì bạn thực sự thiếu ngủ hoặc vì tâm trí của bạn không quen với nhịp độ chậm như vậy. Đây là lúc bạn cần nhìn nhận lại một chút. Nếu bạn không ngủ đủ thì có lẽ điều bạn cần làm là ngủ nhiều hơn. Và bạn chỉ nên thiền một lúc thôi rồi sau đó đi ngủ.
Thay đổi thời gian ngồi thiền trong ngày
Nếu ngồi thiền vào ban đêm, chúng ta sẽ rất dễ buồn ngủ và gật gù liên tục. Vì thế, ta có thể thử thiền vào một thời điểm khác như sáng sớm, khi đầu óc tỉnh táo và thoải mái.
Luôn sáng đèn
Bạn có thiền trong bóng tối không? Nếu vậy thì cũng rất dễ rơi vào trạng thái hôn trầm. Vì thiền là việc thực hành sự tỉnh thức, bởi vậy nên ta có thể bật đèn sáng hay mở cửa sổ nơi mình thiền. Hãy tự mình điều chỉnh các cảm giác, ý thức và tỉnh thức hơn trong cuộc sống.
Nghỉ ngơi một lát
Nếu bạn thực sự phải vật lộn để giữ được tỉnh táo, vậy thì có hai cách nghỉ ngơi có thể giúp bạn làm mới tâm trí mình. Đầu tiên là hãy ngồi nguyên vị trí, nghỉ một chút thôi. Dừng thiền. Chỉ cần ở trong phòng một phút mà không làm gì cả. Sau đó trở lại. Cách thứ hai là dậy và uống một tách trà cho tỉnh táo.
Từ những mẹo nhỏ trên, trạng thái hôn trầm khi ngồi thiền của bạn sẽ được cải thiện và hiệu quả của buổi thiền cũng từ đó mà tăng lên. Bạn không nhất thiết phải áp dụng tất cả mọi biện pháp. Hãy linh hoạt điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh của mình. Quan trọng là luôn giữ được sự tỉnh thức dù làm bất kỳ điều gì. Đó mới chính là thiền.
Nguồn: mindbodygreen