Phục hồi và thư giãn cơ thể với thiền

Thiền đang là phong trào phát triển trên khắp thế giới. Nó đã trở thành một trào lưu và xu hướng được nhiều người quan tâm. Các nghệ sỹ nổi tiếng viết sách về nó. Những ngôi sao điện ảnh chia sẻ về nó. Nhiều bậc thầy tâm linh phương Tây cũng truyền bá về nó. Cân bằng là điều mà người ta vẫn nhắc đến và thiền định chính là cách để ta đạt được điều này.

Khi căng thẳng tích tụ trong cơ thể, chúng ta bắt đầu cảm thấy mình ốm yếu và mệt mỏi. Cảm xúc của chúng ta trở nên bất thường và tâm trí thì tràn ngập sự sợ hãi cùng những tư tưởng tiêu cực. Mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể này đã được phát hiện, và từ đó, nhiều chuyên gia y tế đã khuyên con người ta cần làm giảm các căng thẳng như một cách để phòng tránh nhiều loại bệnh tật.

Theo nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần, cảm giác lo lắng và căng thẳng dữ dội có thể gây ra sự suy nhược thần kinh. Các dây thần kinh không thực sự bị phá vỡ, nhưng nó là một tín hiệu cho thấy chúng cần được nghỉ ngơi và khôi phục lại khi cơ thể trở nên mất cân bằng.

Vậy làm cách nào để ta phục hồi lại cơ thể?

Nhắm mắt lại và hạn chế sự tiếp nhận thông tin từ giác quan là việc đầu tiên bạn nên làm để khiến mọi thứ trở nên chậm lại. Hít thở thật sâu, kết hợp với một bài tập thiền sẽ làm giảm tần số sóng não khiến các cơ quan trong cơ thể chúng ta cùng giảm nhịp độ hoạt động và từ đó tâm trí dễ dàng đi vào trạng thái tập trung cao hơn.

Chúng ta có thể coi bộ não giống như một chiếc máy phát và nhận tín hiệu chạy bằng điện. Giống như một đài phát thanh, nó hoạt động trên các kênh khác nhau, nhưng chỉ bắt được một kênh trong một thời điểm nhất định. Các sóng alpha là những sóng đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học do tín hiệu chậm và mạnh hơn. Một người ngồi thiền, nếu được nối với máy đo tần số sóng não thì ta sẽ thấy nó sẽ ghi nhận được sóng alpha hay theta tùy thuộc vào mức độ tập trung của tâm trí người ấy khi đang hành thiền.

Thiền định, do những tác động tích cực trong việc làm giảm áp lực, đang được xem là một phần trong cách điều trị các chứng bệnh ngày càng tăng của con người cả ở mức độ vật lý hay tinh thần, tâm lý, cảm xúc.

Việc khôi phục lại cơ thể không chỉ cần thiết khi chúng ta đi quá các giới hạn. Sự cân bằng cũng cần được thiết lập do cuộc sống của chúng ta thiếu mất một điều gì đó. Thiền có thể lấp đầy khoảng trống tâm linh, khi ta không tìm thấy mục đích, ý nghĩa sống, sự bình an và tình yêu thương. Khi chúng ta chuyển nhận thức của mình từ cơ thể vật chất tới sự bình ổn tinh thần và sự yên lặng trong suy nghĩ thì điều gì là còn lại? Câu trả lời cho câu hỏi đó đã được các triết gia cổ đại và nhiều bậc thầy tâm linh tìm kiếm và cố gắng dùng ngôn từ để mô tả về những thứ không thể diễn đạt được bằng lời. Nhưng hơn hết, chúng ta vẫn phải tự mình trải nghiệm.

Có nhiều loại thiền cho ta lựa chọn. Tất cả các chúng đều dẫn đến cùng một đích đến, đó là sự bình an bên trong. Việc tìm ra một điều phù hợp với lối sống cũng quan trọng đối với sức khoẻ chúng ta như việc tập thể dục hàng ngày vậy. Khi tâm trí và cơ thể được kết nối với nhau, chúng ta mới có thể cân bằng thế giới bên trong mình và các công việc bên ngoài.

Ngồi trong im lặng có thể trở thành một cuộc chiến, theo cách nói của những người theo đạo Phật. Tâm trí con người được ví như những con khỉ nhảy từ cành cây này sang cành cây khác (“tâm viên ý mã”), làm gián đoạn sự yên bình trong ta. Một cách tuyệt vời để bắt đầu thiền là tìm đến một người hướng dẫn. Sẽ có nhiều lợi ích từ việc này và những người thiền định có kinh nghiệm nhất sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể, dẫn dắt ta nhẹ nhàng tiến vào nơi bình yên ấy một cách hiệu quả.

Bằng cách tập trung vào một hình ảnh tâm linh hay một câu chú (mantra), hoặc hơi thở, chúng ta sẽ đi vào trạng thái không còn ý thức sự tồn tại của cơ thể mình, cũng không còn phát sinh các suy nghĩ… tất cả chỉ còn lại sự bình yên.

Khi ngồi thiền, gạt bỏ đi các lớp suy nghĩ xuất hiện liên tục cho tới khi tâm trí trở nên tĩnh lặng, bạn sẽ cảm nhận được cái tôi bên trong mình. Việc này không nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ. Thiền cũng có thể tạo ra niềm vui, giống như khi bạn chơi một môn thể thao mà mình yêu thích vậy. Ngồi thiền là lúc bạn có thể chủ động điều chỉnh sự căng thẳng và hạnh phúc bên trong mình. Sẽ không có vấn đề gì nếu chúng ta bị thiếu ngủ và rơi vào trạng thái hôn trầm trong quá trình ngồi thiền, bởi tiềm thức vốn dĩ không bao giờ ngủ, vì thế, bạn vẫn sẽ có được những lợi ích khi đi sâu khám phá tâm thức mình. Tâm hồn chúng ta sẽ dần được nuôi dưỡng. Đó là điều mà ít ai làm được khi tâm trí không thực sự tỉnh thức.

Hãy ngồi thiền để kiếm tìm niềm hạnh phúc bất tận khi bạn phát hiện ra rằng sự bình yên có mặt ngay bên trong mình. Đó là cách dễ dàng nhất để chúng ta khôi phục và cân bằng cơ thể lẫn tâm trí để cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Theo: dailycupofyoga.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *